image banner
Thông báo và dự báo khí tượng nông nghiệp số tháng 5 năm 2025
Màu chữ
Nhằm cung cấp thông tin cập nhật và hỗ trợ kịp thời cho sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, Trung tâm Nghiên cứu Khí tượng Nông nghiệp – Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu định kỳ xuất bản bản tin “Thông báo và dự báo khí tượng nông nghiệp” số tháng 5/2025
 

ĐIỀU KIỆN KHÍ TƯỢNG NÔNG NGHIỆP VÀ CÂY TRỒNG TỪ NGÀY 1 ĐẾN NGÀY 20 THÁNG 5 NĂM 2025

Điều kiện khí tượng nông nghiệp

Từ ngày 1 đến ngày 20 tháng 5 năm 2025, thời tiết trên cả nước có nhiều biến động ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp:

- Nhiệt độ: Tuần 1 dao động 20–28°C, tuần 2 tăng nhẹ tại đồng bằng, giảm tại miền núi phía Bắc (19–29°C).

- Lượng mưa: Tuần 1 có mưa rải rác với lượng mưa phổ biến 10–120 mm, một số nơi mưa lớn (Phú Quốc: 285,9 mm; Trị An: 238 mm). Tuần 2 mưa giảm rõ rệt (10–30 mm), nhiều nơi Nam Bộ gần như không có mưa.

- Độ ẩm: Tuần 1 phổ biến 68–89%; tuần 2 tăng nhẹ, phổ biến 77–90%.

- Điều kiện khí tượng bất lợi với sản xuất nông nghiệp:

+ Nắng nóng: Tuần 1 tháng 5, nắng nóng ảnh hưởng ở hầu hết các khu vực trên cả nước, đặc biệt khu vực Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh xuất hiện nắng nóng gay gắt. Sang tuần 2/2025, nền nhiệt giảm, nắng nóng xuất hiện ở một số khu vực thuộc Tây Bắc, ĐBSH, Bắc Trung Bộ, và Nam Bộ, không xuất hiện nắng nóng gay gắt.

+ Khô hạn và thiếu nước: Hầu hết các khu vực trên phạm vi cả nước đều bị thiếu hụt nước cho SXNN (Ngoại trừ khu vực Đông Bắc và vùng bán đảo Cà Mau). Trong đó, Tây Nguyên, Trung Trung Bộ ở mức từ hạn nặng đến nghiêm trọng.

+ Mưa lớn: Đợt mưa lớn ngày 24-25/5 tại Hà Tĩnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến SXNN.

+ Xâm nhập mặn: Chiều sâu ranh mặn 4‰ tại các cửa sông chính. Sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây có phạm vi xâm nhập mặn 30-35km; Sông Cửa Tiểu, Cửa Đại: 30- 35km; Sông Hàm Luông: 25-30km; Sông Cổ Chiên: 25-35km; Sông Hậu: 27-32km; Sông Cái Lớn: 25-30km. Xâm nhập mặn tại các cửa sông tiếp tục giảm dần. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long cấp 1.

Sinh trưởng và sâu bệnh hại đối với một số cây trồng

Tình hình sinh trưởng cây trồng:

- Miền Bắc: Lúa vụ xuân đang ở giai đoạn phơi màu – chắc xanh (trà chính vụ) và trỗ – phơi màu (trà muộn).

- Bắc Trung Bộ: Lúa chủ yếu đã chín và thu hoạch. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của không khí lạnh cuối tháng 3 – đầu tháng 4, nhiều diện tích tại Nghệ An và Thanh Hóa bị thoái hóa đầu bông, lép xanh, không kết hạt, thậm chí không cho thu hoạch.

- Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên: Đã thu hoạch xong lúa vụ đông xuân.

- Nam Bộ: Lúa hè thu đang ở giai đoạn đẻ nhánh.

Tình hình sâu bệnh hại:

- Trên cây lúa: Bên cạnh các loại dịch hại thường gặp như đạo ôn lá, rầy nâu, bạc lá, xuất hiện thêm các đối tượng nguy hiểm như đạo ôn cổ bông, sâu đục thân, đen lép hạt, ốc bươu vàng và sâu năn – gây ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt tại khu vực ĐBSCL.

- Trên cây ngô: Ghi nhận sâu keo mùa thu xuất hiện rải rác tại một số tỉnh miền núi và duyên hải.

- Trên cây thanh long: Bệnh đốm nâu phát sinh tại nhiều vùng trồng trọng điểm, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng quả.

- Trên cây cà phê (Tây Nguyên): Tiếp tục chịu ảnh hưởng của bệnh khô cành và gỉ sắt, đe dọa quá trình phát triển quả và sinh trưởng cây.

Ảnh hưởng của điều kiện khí tượng

Đến cây trồng

- Thiếu nước và khô hạn: Tại vùng ĐBSH và ĐBSCL, lượng mưa từ ngày 1 đến ngày 20/5 không đáp ứng đủ nhu cầu nước cho cây lúa. Mức thiếu hụt dao động từ 116 mm (Hà Đông) đến 155 mm (Thái Bình), làm tăng nguy cơ khô hạn và ảnh hưởng đến sinh trưởng cây trồng.

- Nhiệt độ cao – độ ẩm lớn: Nhiệt độ ban ngày cao kết hợp với độ ẩm không khí cao về đêm tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loại sâu bệnh phát triển mạnh, đặc biệt là rầy nâu, đạo ôn và sâu cuốn lá nhỏ ở cả miền Bắc và miền Nam.

- Nắng nóng: Bắt đầu xuất hiện trên phạm vi rộng, gây ra tình trạng hạn nhẹ đến hạn nặng tại nhiều nơi, làm chậm quá trình sinh trưởng của cây trồng và cản trở hoạt động sản xuất nông nghiệp.

- Xâm nhập mặn: Gây ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt và tưới tiêu, đặc biệt tại các khu vực trồng lúa và nuôi trồng thủy sản ở Bạc Liêu, Tiền Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, do mặn xâm nhập sâu vào nội đồng.

Đến vật nuôi

Kết quả tính toán chỉ số THI cho thấy, điều kiện khí hậu trong nửa đầu tháng 5 gây ảnh hưởng bất lợi trên diện rộng tới vật nuôi. Cụ thể, THI cao làm giảm khả năng tiêu hóa thức ăn, tăng nhịp tim, gây stress nhiệt cho gia súc và gia cầm trên toàn quốc

DỰ BÁO ĐIỀU KIỆN KHÍ TƯỢNG NÔNG NGHIỆP TỪ THÁNG 6 ĐẾN THÁNG 8 NĂM 2025

Xu thế khí hậu từ tháng 6 đến tháng 8 năm 2025

Theo bản tin ”Thông báo và dự báo khí hậu” số tháng 5/2025 (Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu) cho thấy, ENSO được dự báo tiếp tục duy trì ở trạng thái trung tính trong mùa tiếp theo với xác suất 70-75%. Ở hầu hết diện tích cả nước, nhiệt độ ở mức từ xấp xỉ đến cao hơn TBNN; lượng mưa ở mức xấp xỉ TBNN. Các hiện tượng cực đoan bất lợi đối với sản xuất nông nghiệp trong 3 tháng tới:

- Xoáy thuận nhiệt đới (XTNĐ): Trong mùa 6–8/2025, số cơn bão trên Biển Đông và ảnh hưởng đến Việt Nam có thể xấp xỉ hoặc cao hơn TBNN (TBNN: ~5 cơn trên Biển Đông, 2–3 cơn ảnh hưởng đến đất liền).

- Nắng nóng: Có khả năng xảy ra trên diện rộng tại Bắc Bộ và Trung Bộ. Tuy nhiên, cường độ nắng nóng dự báo nhẹ hơn năm 2024.

 Rủi ro khí hậu đến từ tháng 6 đến tháng 8 năm 2025

 Đối với cây trồng

a) Tình hình thừa/thiếu nước

- Đối với sản xuất nông nghiệp nói chung:

+ Dự báo từ tháng 6/2025, khô hạn nhẹ đến vừa có thể xuất hiện tại Trung Trung Bộ (từ Thừa Thiên Huế đến vùng núi Quảng Ngãi).

+ Sang tháng 7–8, vùng khô hạn và nắng nóng mở rộng tới Quảng Trị.

- Đối với cây lúa vùng ĐBSH và ĐBSCL:

+ Trong tháng 6-tháng 7: Hầu hết khu vực ĐBSH và ĐBSCL đều dư thừa nước so với nhu cầu thực tế của cây lúa. Đặc biệt, một số địa phương như Sơn Tây, Hà Đông, Nho Quan (ĐBSH) và Sóc Trăng, Rạch Giá, Bạc Liêu (ĐBSCL) cần đề phòng nguy cơ ngập úng cục bộ.

+ Đến tháng 8, lượng mưa tăng mạnh, nguy cơ ngập úng lan rộng, đặc biệt ngoài vùng Đồng Tháp Mười, hầu hết các khu vực còn lại đều có nguy cơ bị ảnh hưởng .

b) Rủi ro sâu bệnh hại

Thời tiết nóng ẩm từ tháng 6–8 tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều dịch hại phát sinh và gây hại trên diện rộng:

- Lúa:

o Miền Bắc: Đạo ôn cổ bông, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu đục thân 2 chấm, bạc lá, khô vằn, đốm sọc vi khuẩn, đen lép hạt.

o Bắc Trung Bộ: Bọ trĩ.

o DHNTB&TN: Bọ trĩ, sâu cuốn lá, sâu đục thân, đạo ôn lá, khô vằn, đen lép thối hạt.

o Nam Bộ: Rầy nâu, đạo ôn, bạc lá, đen lép hạt.

- Ngô: Sâu keo mùa thu, sâu ăn lá, đốm lá, sâu đục bắp, gỉ sắt, khô vằn.

- Thanh long: Đốm nâu, rệp sáp, thán thư, ốc.

- Cà phê: Bọ xít muỗi, rệp sáp, rệp vảy, khô cành, gỉ sắt.

- Hồ tiêu: Chết chậm, chết nhanh, tuyến trùng rễ, rệp sáp.

- Điều: Bọ xít muỗi, thán thư.

- Chè: Rầy xanh, bọ xít muỗi, bọ cánh tơ, nhện đỏ, thối búp.

- Nhãn, vải: Chổi rồng, sâu cuốn lá, sâu đo, thán thư.

Nhận định chung: Trong các tháng 6 và 7/2025, Trung Trung Bộ là những khu vực dễ bị ảnh hưởng bất lợi do nắng nóng và thiếu mưa gây khô hạn cho cây trồng.

Đến tháng 8, trong khi Trung Trung Bộ vẫn chịu ảnh hưởng của hạn hán, thì các tỉnh vùng ĐBSH và ĐBSCL có thể bị ngập úng do mưa lớn kéo dài, tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp. Các khu vực khác có điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi cho cây trồng phát triển.

Tác giả: Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu
Tin cùng chuyên mục