Trong khuôn khổ Dự án xây dựng mô hình canh tác lúa giảm phát thải phục vụ phát triển bền vững vùng nguyên liệu lúa gạo xuất khẩu của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), ngày 23/5/2025 vừa qua, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp phối hợp với Công ty cổ phần phân bón Bình Điền, trạm Khuyến nông huyện Cờ Đỏ tổ chức hội thảo đầu bờ mô hình “Xây dựng mô hình canh tác lúa giảm phát thải phục vụ phát triển bền vững vùng nguyên liệu lúa gạo xuất khẩu của ĐBSCL” tại hợp tác xã (HTX) Tiến Dũng, xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ.
Với mục tiêu thúc đẩy áp dụng quy trình canh tác lúa tổng hợp thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao giá trị sản phẩm và gia tăng thu nhập cho người sản xuất, năm 2025 từ nguồn kinh phí của Công ty cổ phần phân bón Bình Điền, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố đã xây dựng 01 mô hình canh tác lúa giảm phát thải phục vụ phát triển bền vững vùng nguyên liệu lúa gạo xuất khẩu của ĐBSCL tại thành phố Cần Thơ với quy mô 50 hecta tại HTX Tiến Dũng.
Tại buổi hội thảo đầu bờ, đại diện HTX Tiến Dũng, báo cáo kết quả thực hiện tham gia đề án, hiện tại, cánh đồng tham gia mô hình đang phát triển tốt, mô hình đã áp dụng các kỹ thuật như: sử dụng giống xác nhận, giảm lượng giống (chỉ sử dụng 70 kg giống/ha); sử dụng phương pháp sạ cụm và kết hợp bón vùi phân; áp dụng quy trình giải pháp Much More Rice vào sản xuất lúa, áp dụng quy trình canh tác ngập khô xen kẽ; áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp… Đến thời điểm hiện tại, lúa đang phát triển tốt, ít sâu bệnh.
Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố Cần Thơ cho biết, Cần Thơ là một trong 5 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (Cần Thơ, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh và Đồng Tháp) thực hiện dự án Khuyến nông Trung ương. Mô hình này giúp nông dân giảm được giống từ 120kg/ha xuống còn 60 - 70kg/ha, kết hợp phương pháp sạ cụm với vùi phân để tăng hiệu quả sử dụng phân bón. Mục tiêu cao nhất là giảm giá thành sản xuất lúa đến mức tối thiểu và giảm phát thải khí nhà kính. Qua đánh giá, ruộng trong mô hình đang phát triển tốt, ít sâu bệnh và giảm chi phí đầu tư hơn đến thời điểm hiện tại so với ruộng đối chứng áp dụng các phương pháp truyền thống. Đây là kết quả rất khả quan, bà con tin tưởng về phương thức canh tác mới này và sẽ được nhân rộng.
Mô hình là điểm tham quan, học hỏi để các hộ trồng lúa trong vùng và lân cận tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm, góp phần lan tỏa các quy trình kỹ thuật canh tác lúa thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Mô hình đã đạt được các mục tiêu cụ thể mà Dự án đã đề ra:
- Về canh tác bền vững: Giảm lượng giống gieo sạ xuống 70kg/ha so với truyền thống là 154kg/ha. giảm 20% lượng phân bón hóa học và thuốc BVTV, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống.
- Về tổ chức lại sản xuất: Diện tích thực hiện mô hình trình diễn phải có liên kết giữa doanh nghiệp với Hợp tác xã hoặc các tổ chức của nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tỷ lệ cơ giới hóa dồng bộ đạt từ 50% diện tích.
- Về bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh: tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 10%; lượng rơm trong mô hình vụ Đông Xuân 2024-2025 được tiêu thụ hết hoặc lấy ra khỏi ruộng 100%; giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống.
- Về thu nhập người trồng lúa, giá trị gia tăng: giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 30%, trong đó tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa trên 40%
- Về xây dựng thương hiệu và xuất khẩu: lượng gạo xuất khẩu chất lượng cao và phát thải thấp đạt trên 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của toàn vùng chuyên canh.
- Kết hợp phương pháp sạ cụm với vùi phân để tăng hiệu quả sử dụng phân bón, đồng thời các loại phân bón chuyên dùng và phân hữu cơ được sử dụng trên lúa theo công thức phân bón của Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền.
- Áp dụng đồng bộ kỹ thuật sản xuất 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm và biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM để giảm sử dụng thuốc BVTV; quản lý dịch hại theo quy trình giải pháp Much More Rice vào trong sản xuất lúa; thực hiện kỹ thuật tưới nước ướt-khô xen kẻ để tiết kiệm nước và các kỹ thuật đồng bộ khác.